Việt Nam và Nhật Bản hợp tác kinh tế, thương mại phát triển trên nhiều lĩnh vực

by admin

Trong những năm qua, Nhật Bản luôn là đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam, đặc biệt quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước có sự phát triển vượt bậc và toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Dây chuyền sản xuất giày, dép xuất khẩu tại Công ty TNHH Midori Safety Footwear Việt Nam, vốn đầu tư của Nhật Bản tại khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc (Quảng Nam). Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Thứ Trưởng Bô Công Thương, Đỗ Thắng Hải cho biết, trong 45 năm qua, quan hệ giữa hai nước không ngừng phát triển, nhất là từ khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược (năm 2009) và nâng tầm lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện từ năm 2014.

Hiện nay, Nhật Bản hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 (sau Hoa Kỳ và Trung Quốc) và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 (sau Trung Quốc và Hàn Quốc) của Việt Nam. Năm 2018, tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với Nhật Bản chiếm 7,9% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với thế giới; trong đó, xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm 7,7% tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu từ Nhật Bản chiếm 8% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.

Trong 5 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 15,28 tỷ USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2018. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Nhật Bản gồm: hàng dệt may, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, thủy sản, gỗ, giày dép các loại…

Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản đạt 7,35 tỷ USD, tương đương so với cùng kỳ 2018. Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Nhật Bản là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sắt thép các loại, linh kiện, phụ tùng ô tô.

Nhật Bản là nước có thế mạnh cung cấp những mặt hàng quan trọng gồm: máy móc thiết bị có chất lượng và công nghệ cao và là thị trường xuất khẩu của những sản phẩm có sức cạnh tranh cao, qua đó giúp nâng cao năng lực sản xuất của các ngành sản xuất của Việt Nam.

Bà Lê Hoàng Oanh – Vụ Trưởng Vụ châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương cho biết, phía Nhật Bản đặt ra nhiều yêu cầu khắt khe đối với hàng nhập khẩu. Do vậy, để các mặt hàng Việt Nam vào thị trường Nhật Bản các doanh nghiệp cần lưu ý tới những rào cản kỹ thuật như việc đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, thủ tục, hình thức xuất khẩu….

Với hàng nông sản nhập khẩu, Nhật Bản không chỉ đơn thuần tiến hành kiểm tra, xét nghiệm tồn dư về thuốc bảo vệ thực vật hoặc dư lượng kháng sinh mà phía bạn còn phải nắm bắt được việc trồng trọt, nuôi trồng theo kỹ thuật nào, bón những loại phân gì, xử lý sâu bệnh ra sao… hay nói khác đi sản phẩm phải được truy xuất nguồn gốc thì mới đạt yêu cầu xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Ngoài ra, hệ thống phân phối hàng hóa tại Nhật Bản rất phức tạp với nhiều cấp khác nhau, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này phải có quan hệ tốt với các nhà nhập khẩu trung gian thông qua các Hiệp hội ngành hàng.

Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu cho các công ty thương mại và các nhà bán buôn Nhật Bản, chưa tiếp cận được với các kênh khác như hệ thống bán lẻ (siêu thị), các nhà chế biến…

Hầu hết các doanh nghiệp giao dịch đều qua hệ thống Ngân hàng, nhưng vẫn còn một số bất cập như thủ tục thanh toán phức tạp, tỷ giá biến động, chậm trễ trong việc chuyển tiền… và chưa có sự liên kết hiệu quả giữa các ngân hàng Việt Nam và Nhật Bản trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp thanh toán và chuyển tiền đầu tư.

Với mặt hàng dệt may, xuất khẩu sang Nhật Bản đều phải áp dụng quy tắc xuất xứ (trong CPTPP là quy tắc xuất xứ từ sợi), trong khi đó nguyên liệu phục vụ cho ngành dệt may của Việt Nam được nhập khẩu 80% từ nước ngoài. Đây là khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Nhật Bản.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 với kinh nghiệm nhiều năm xuất khẩu các mặt hàng dệt may sang Nhật Bản cho biết, hàng dệt may xuất khẩu sang Nhật Bản phải có nhãn mác đúng theo tiêu chuẩn JIS, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật liên quan đến môi trường và sức khỏe người tiêu dùng; đồng thời nhãn mác phải thể hiện đúng xuất xứ hàng hóa sao cho người tiêu dùng không nhầm lẫn sản phẩm do Nhật Bản sản xuất với sản phẩm sản xuất ở nước ngoài…

Bà Lê Hoàng Oanh cho biết thêm, Nhật Bản nổi tiếng thế giới về các hàng rào kỹ thuật cao đối với hầu hết các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Với sản phẩm gỗ, tiêu chuẩn kỹ thuật được áp dụng là Tiêu chuẩn JAS và Tiêu chuẩn JIS về dư lượng formaldehyde có trong sản phẩm. Các tiêu chuẩn này bắt buộc áp dụng với các sản phẩm gỗ dán, ván dăm bào, ván xây dựng, ván phủ mặt, ván sàn, mặt cầu thang… Mỗi loại sản phẩm đòi hỏi phải có giấy chứng nhận riêng phù hợp với các tiêu chuẩn tương ứng.

Các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam cần phải đạt được chứng chỉ rừng FSC (Forest Stewardship Council) – chứng chỉ toàn cầu kiểm định chuỗi sản phẩm gỗ từ nguyên liệu đến thành phẩm cũng như phải cung cấp thông tin về các chất liệu hóa chất xử lý gỗ để tăng độ tin cậy và yên tâm đối với khách hàng khi sử dụng. Chính vì lẽ đó, các doanh nghiệp gỗ thường gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận và xây dựng kênh phân phối vững chắc tại thị trường Nhật Bản.

Để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp và các ngành hàng cần nghiên cứu, khảo sát cụ thể nhu cầu của thị trường, xây dựng chiến lược marketing phù hợp.

Các sản phẩm có mẫu mã, màu sắc, bao bì sản phẩm phải phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Đồng thời, tích cực tham gia các hội thảo, giao thương chương trình xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu hàng hóa cũng như thế mạnh của doanh nghiệp, tìm kiếm khách hàng mới, mở rộng thị trường kinh doanh…/.

Related Posts

Leave a Comment