Quan hệ thương mại Việt Nam – Nhật Bản: Cơ hội song hành thách thức

by admin

Quan hệ thương mại Việt Nam – Nhật Bản thời gian qua đã có những bước tiến cả về kim ngạch lẫn cơ cấu sản phẩm, với điểm nhấn là tăng trưởng về xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam. Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương đã có những đánh giá tổng quát về thành tựu trong quan hệ thương mại giữa hai nước cũng như những cơ hội và thách thức trong thời gian tới.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương

Ông đánh giá như thế nào về những thành tựu đạt được trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian qua?


Với nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp và sự hiểu biết, hòa hợp giữa nhân dân hai nước, thêm vào đó là việc Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) đều đã được ký kết và có hiệu lực; quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản đã có những bước phát triển tích cực, trở thành “hình mẫu” cho các quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và các nước khác.
 
Nhật Bản là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đứng thứ ba sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Theo số liệu thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 33,4 tỷ USD, tăng 12,4% so với năm 2016; trong đó xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản trong năm 2017 đạt trị giá 16,8 tỷ USD, tăng 14,8% so với 2016.
 
Kim ngạch các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Nhật Bản đều ghi nhận sự tăng trưởng, bao gồm: hàng dệt may (đạt 3,1 tỷ USD, tăng 7,3%); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (đạt 1,7 tỷ USD, tăng 9,9%); phương tiện vận tải và phụ tùng (đạt 2,2 tỷ USD, tăng 13,9%); hàng nông sản, thủy sản (đạt 1,73 tỷ USD, tăng 18,0%), gỗ và sản phẩm gỗ (đạt 1 tỷ USD, tăng 4,4%). Trong đó, Nhật Bản là thị trường yêu cầu cao về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và đặt nhiều biện pháp và rào cản kỹ thuật đối với nông sản nhập khẩu, do vậy việc thâm nhập mặt hàng này của Việt Nam vào Nhật Bản thường gặp nhiều khó khăn. Ngoài việc kim ngạch xuất khẩu hàng nông thủy sản sang Nhật Bản có sự tăng trưởng tốt, trong thời gian qua, chúng ta đã thấy có nhiều điểm sáng khác như việc Việt Nam đã có thêm các mặt hàng được phép xuất khẩu vào thị trường này như: thanh long ruột đỏ dạng quả tươi (tháng 1/2017); thịt gà đã qua chế biến nhiệt (tháng 8/2017); sữa (tháng 11/2017).
 
Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu từ Nhật Bản đã tăng 10,1% trong năm 2017 và dự báo sẽ tiếp tục tăng tương ứng với việc nguồn vốn đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam tiếp tục được giữ ở mức cao. Số liệu cho thấy Nhật Bản đứng thứ hai trong năm 2017 về cả vốn đầu tư mới và vốn lũy kế và dẫn đầu trong 7 tháng đầu năm 2018 về vốn đầu tư đăng ký mới. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản đạt 16,6 tỷ USD trong năm 2017, với các mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch lớn là: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (đạt 4,3 tỷ USD, tăng 2,2%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 3,2 tỷ USD, tăng 13,4%); sắt thép các loại (đạt 1,4 tỷ USD, tăng 17,2%), sản phẩm từ chất dẻo (đạt 795,2 triệu USD, tăng 20,5%).
 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: VGP

Tính chung trong năm 2017, Việt Nam đã xuất siêu sang Nhật Bản khoảng 249 triệu USD. Đây là điểm rất đáng khích lệ khi mà chúng ta đã liên tục nhập siêu từ Nhật Bản 218 triệu USD trong năm 2015; và 393 triệu USD trong năm 2016.

 
Có thể nói, quan hệ thương mại Việt Nam – Nhật Bản trong thời gian qua đã có những bước tiến cả về kim ngạch lẫn cơ cấu sản phẩm, với điểm nhấn là tăng trưởng về xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam. Tôi tin rằng với chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam và chiến lược tăng trưởng kinh tế của mô hình kinh tế Abenomics của Nhật Bản, quan hệ thương mại giữa hai quốc gia sẽ tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ.
 
Theo ông, đâu là cơ hội và thách thức trong hoạt động xúc tiến thương mại vào thị trường Nhật Bản những năm gần đây?
 
Số liệu xuất khập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản cho thấy cơ cấu hàng hóa của hai nước phần nhiều mang tính bổ sung và không cạnh tranh. Nhật Bản là nước nhập siêu lớn về thủy sản và các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng như dệt may, giày da, thực phẩm chế biến trong khi Việt Nam lại là nước có lợi thế cạnh tranh tuyệt đối về các sản phẩm này. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản các sản phẩm máy móc, thiết bị, công nghệ và nguyên liệu cho sản xuất. Vì vậy, tôi cho rằng trong thời gian tiếp theo, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng về xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản.
 
Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới, là thị trường có sức tiêu thụ cao, tuy nhiên tới thời điểm hiện nay nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ (khoảng 3% theo số liệu thống kê năm 2017) trong cơ cấu hàng hóa nhập khẩu của Nhật Bản. Con số xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ Việt Nam sang Nhật Bản còn rất khiêm tốn so với năng lực sản xuất và tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam. Đây chính là cơ hội lớn để chúng ta đẩy mạnh thực hiện các công tác xúc tiến thương mại nhằm gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này. Nếu thực hiện hiệu quả công tác đó, chúng tôi tin rằng hàng hóa của chúng ta sẽ nhận được sự quan tâm lớn từ các doanh nghiệp Nhật Bản, và xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này hoàn toàn có thể vượt qua các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia.
 
Tuy nhiên, công tác xúc tiến thương mại vào thị trường Nhật Bản cũng gặp rất nhiều thách thức, điển hình là việc những tiêu chuẩn đặc thù kỹ thuật về công nghiệp và nông nghiệp của Nhật Bản rất khắt khe khiến nhiều sản phẩm của Việt Nam hiện không đáp ứng được hoặc nhà sản xuất bị gia tăng chi phí sản xuất, khiến giảm sức cạnh tranh về giá cả và dịch vụ đi kèm. Như vậy, kể cả khi tiến hành các công tác xúc tiến thương mại như tìm kiếm khách hàng mới, kết nối giao thương… một cách hiệu quả, thì nhiều sản phẩm của Việt Nam cũng chưa sẵn sàng để xuất khẩu vào Nhật Bản. Tôi cho rằng xúc tiến thương mại hiện nay không chỉ đơn thuần giải quyết vấn đề phát triển và xúc tiến ở nước ngoài mà phải tính đến những thách thức ở trong nước, phải kết hợp giữa công tác xúc tiến ở nước ngoài với việc định hướng, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước. Công tác xúc tiến thương mại thành công là khi chúng ta đồng thời thực hiện tốt việc định hướng được cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất song song với công tác tìm kiếm đối tác thương mại. Ngoài ra, công tác xúc tiến thương mại cũng có một số thách thức khác như hệ thống phân phối phức tạp ở Nhật Bản khá phức tạp, hay chi phí xâm nhập thị trường cao do các chi phí ăn ở, đi lại cao ở Nhật…
 
Ông có lời khuyên gì với các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Nhật Bản?
Đối với các doanh nghiệp đang tìm hiểu để xuất khẩu sản phẩm vào Nhật Bản, tôi tin rằng cần thiết phải nắm vững những ưu đãi do các hiệp định song phương và đa phương mà Việt Nam và Nhật Bản cùng tham gia như VJEPA hay AJCEP đối với sản phẩm của mình, để từ đó khai thác triệt để những ưu đãi đó, đặc biệt là các ưu đãi về thuế. Nhật Bản là một thị trường hấp dẫn, vì vậy hàng hóa của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm hàng hóa từ các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Campuchia, Philippines… và bất cứ ưu đãi về thuế nào nếu có có thể góp phần quan trọng cho khả năng thành công của doanh nghiệp chúng ta.
 
Các doanh nghiệp cần có hiểu biết về các quy định tiêu chuẩn của sản phẩm mình tại thị trường Nhật Bản cũng để hoạch định kế hoạch sản xuất, từ đó ổn định chất lượng sản phẩm, hạn chế bị trả lại hàng và rút ngắn được thời gian giao dịch.
 
Ngoài ra, nói riêng về công tác xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt thông tin và hiểu biết về tập quán kinh doanh của người Nhật như cách sử dụng danh thiếp, catalogue, đến đúng hẹn… để tạo niềm tin từ lần đầu gặp gỡ với các doanh nghiệp Nhật Bản. Nếu doanh nghiệp tham dự các hội chợ ngành hàng tại Nhật Bản, việc chuẩn bị các thông tin về khách hàng sẽ giúp đạt hiệu quả đàm phán và tiết kiệm được nhiều chi phí. Doanh nghiệp cũng nên thay đổi để bắt kịp xu hướng phát triển thương mại điện tử, thanh toán điện tử…
 
Những giải pháp để nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại mà Bộ Công Thương đang triển khai là gì, thưa ông?

Trước hết, Việt Nam và Nhật Bản cần khuyến khích doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác trao đổi thông tin, trao đổi kinh nghiệm về sản xuất, quản lý thương mại, phát triển thị trường.
 
Công tác xúc tiến thương mại đối với thị trường Nhật Bản đang được Cục Xúc tiến Thương mại đặc biệt quan tâm và chú trọng, thể hiện qua việc tích cực phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại tại Nhật Bản để tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, giao thương nhằm kết nối các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản, điển hình như Hội thảo giao thương hợp tác kinh tế – thương mại Việt Nam – Nhật Bản tại Tokyo ngày 20/9/2017 và tại Osaka ngày 22/9/2017. Tại Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam (Vietnam Foodexpo), Cục Xúc tiến Thương mại đã phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản để tổ chức đoàn gồm 20 doanh nghiệp Nhật Bản đến thăm quan và làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp Việt Nam.
 
Bên cạnh đó, doanh nghiệp hai nước cần tăng cường đầu tư, nâng cấp dây chuyền sản xuất, khai thác tốt về năng lực quản lý sản xuất và chất lượng sản phẩm cùng công nghệ cao của Nhật Bản với những điều kiện sản xuất và đầu vào sản xuất có chi phí thấp tối ưu của Việt Nam.
 
Bộ Công Thương sẽ thường xuyên cung cấp thông tin kịp thời cho các doanh nghiệp về những dòng thuế được cắt giảm theo lộ trình của Hiệp định VJEPA để doanh nghiệp kịp thời ứng phó, xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh tại thị trường Nhật Bản.
 
Các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp cần tận dụng tốt các kênh hỗ trợ của Việt Nam và Nhật Bản (Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, JETRO, Trung tâm ASEAN – Nhật Bản (AJC) v.v…) để có thể giúp kết nối giao thương cho các doanh nghiệp có khả năng sản xuất và xuất khẩu khi tiếp cận thị trường hai bên.
 
Trân trọng cảm ơn ông!

 

Related Posts

Leave a Comment